Nhầm lẫn là điều không mong muốn, nhưng ai cũng đã từng…

Không cần phải diễn tả sự tức giận của dư luận về tình huống cười ra nước mắt này, tôi chỉ muốn nhìn nhận vụ việc ở một góc độ khác, cảm thông và chia sẻ hơn với những “người trong cuộc”.


Tin Mới Đau chân trái, mổ nhầm chân phải - câu chuyện tưởng chừng như chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện kĩ thuật khó khăn, trình độ y bác sĩ còn hạn chế nhưng đáng buồn là nó lại xảy ra ở một bệnh viện lớn tại thủ đô – vốn là nơi gửi gắm niềm tin của rất nhiều người bệnh.

Sự việc xảy ra trong bối cảnh người dân còn chưa nguôi giận vì những lùm xùm thời gian qua của ngành y. Và nó thực sự là một “cú tát” đau điếng với những con người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Không cần phải diễn tả sự tức giận của dư luận về tình huống cười ra nước mắt này, tôi chỉ muốn nhìn nhận vụ việc ở một góc độ khác, cảm thông và chia sẻ hơn với những “người trong cuộc”.

Cách đây hơn hai chục năm, mẹ tôi được chẩn đoán rằng có khối u trong bụng, theo chỉ định phải tiến hành phẫu thuật để cắt đi nhưng khi mổ ra lại chẳng có khối u nào cả. Lý do được giải thích bởi (ngày ấy) máy móc kỹ thuật chưa tiên tiến nên…“nhìn nhầm”. Nhưng lúc đó ngoài sự mệt mỏi và bất lực, chúng tôi “đành” chấp nhận thiện chí từ phía bệnh viện (xin được không nhắc tên), dù rằng không có bồi thường sau đó.

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và hiểu cho họ phần nào. Trong trường hợp bất đắc dĩ như vậy, các bác sĩ có thoải mái, vô tư được hay không? Bệnh nhân có vui mừng hay người nhà có hân hoan vì người thân mình bị thương, có hả hê khi các bác sĩ bị đình chỉ công tác?

Nhầm lẫn là điều không mong muốn, nhưng ai cũng đã từng…

Có thể nói vụ việc vừa xảy ra tại bệnh viện Việt Đức là một tai nạn nghề nghiệp của các bác sĩ trong ekip mổ, đồng thời là một “tai nạn” bất đắc dĩ với bệnh nhân - anh Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội).


Bệnh nhân Trần Văn Thảo nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Sa Hà.

Đây hoàn toàn là lỗi của ekip mổ, người chịu trách nhiệm chính là bác sĩ Phạm Văn Hậu. Trong cuộc trao đổi với gia đình bệnh nhân, bác sĩ Hậu, lãnh đạo khoa Chấn thương chỉnh hình 3 và đại diện phòng công tác xã hội của bệnh viện đã có tinh thần cầu thị và thiện chí muốn hợp tác cùng gia đình bệnh nhân giải quyết êm thấm sự việc này.

Trong buổi họp báo sáng ngày 20/7, GS. TS Trần Bình Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã thừa nhận đây là sai sót đáng tiếc về chuyên môn, bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về sự việc, miễn phí điều trị và theo dõi sức khỏe sau này cho bệnh nhân.

Đây là điều rất đáng ghi nhận. Đồng ý là do lỗi của họ, họ phải nhận, xin lỗi và chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế thời gian gần đây, người dân đã quá chán ngán với những câu xin lỗi suông, thậm chí có phần hách dịch, bốp chát từ một số vị “đầy tớ của dân” rồi. Nên nói thực, lúc đầu khi biết chuyện, bản thân tôi cũng thấy rất bức xúc và thậm chí còn tưởng đây là chuyện đùa. Nhưng những câu nói ấy, hành động kịp thời ấy đã xoa dịu và làm nguôi ngoai đi phần nào nỗi bực trong lòng.

Bác sĩ Giang cũng chia sẻ với báo chí: “Cả bệnh viện với đội ngũ chuyên gia làm rất tốt với lịch sử 110 năm thì sai sót này hết sức hy hữu. Mỗi năm chúng tôi mổ hơn 50.000 ca, những phẫu thuật viên được giao cầm dao mổ đã qua quá trình đào tạo, thẩm định hết sức chặt chẽ”.

Mỗi nghề một nỗi vất vả riêng, dù là một bệnh viên quy mô lớn như vậy cũng đâu thể bắt họ không được xảy ra sai sót. Quan trọng là mọi chuyện đã được giải quyết êm thấm. Nếu đã không động viên, khích lệ họ thì đừng chỉ trực chờ sơ hở của người khác để hả hê và tỏ ra bức xúc thay cho người trong cuộc. Hãy nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất có thể cho cả hai bên.

Không thể phủ nhận việc một bộ phận không nhỏ bác sĩ hiện nay đang làm mất thiện cảm của người dân vào ngành y nhưng cũng đừng vì vậy mà chối bỏ công sức đóng góp và những hy sinh thầm lặng của họ. Một mạng người được cứu sống, mặc định đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của bác sĩ. Nhưng một khi có sai sót, bác sĩ trở thành kẻ tội đồ?

Rồi câu chuyện này lại tiếp tục “hòa tan” vào dòng chảy tấp nập của cuộc sống. Chỉ vài ngày nữa thôi sẽ bị quên lãng, nỗi đau thì chỉ người trong cuộc mới nhớ và thấm thía.

Vậy nên hãy để câu chuyện dừng lại ở đây. Nó đã là bài học rất lớn cho các bác sĩ rồi. Có trách móc, đay nghiến, dè bỉu, chửi bới, miệt thị cũng không thể thay đổi vụ việc nhưng ai dám chắc những lời lẽ đó không làm các bác sĩ khác nản lòng, chùn chân trước thái độ và sự thiếu cảm thông, thấu hiểu của các bệnh nhân? Họ có còn an tâm, nhiệt huyết, hết lòng với công việc không hay luôn phải lo sợ để xảy ra sai sót thì “hậu quả khôn lường”?

Hãy cho họ một cơ hội sửa sai và tiếp tục được đóng góp công sức cho xã hội, đừng để những sai lầm khiến họ chùn tay. Xin được mượn lời của một vị bác sĩ về vụ việc này: “Đừng để họ phải chịu cảnh:

Cứu người cả đời không ai biết

Sai một lần sự nghiệp tiêu tan…”

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình